VIÊM DẠ DÀY Ở TRẺ EM DO VI KHUẨN H.PYLORI

Viêm dạ dày là một trong những bệnh rất phổ biến hiện nay, thường gặp ở cả nam lẫn nữ, người lớn tuổi và cả trẻ em. Tuy nhiên trong những năm gần đây, số lượng viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng cao.

TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP

Viêm dạ dày có các triệu chứng dễ nhận biết như ợ hơi, đầy bụng, nóng rát hay đau bụng ngay vùng dưới xương ức (thượng vị)… Tuy nhiên vì không nhận biết rõ ràng nên trẻ thường mô tả chưa chính xác các triệu chứng, làm cha mẹ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn tiêu hóa hay nhiễm giun sán… dẫn đến tự mua thuốc uống, không cho trẻ đi thăm khám, làm ủ bệnh trong thời gian dài và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Vì vậy đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh hãy lưu ý khi trẻ có các triệu chứng lạ, bất thường. Nếu trẻ kêu đau bụng vùng trên hoặc quanh rốn, kèm với tái đi tái lại, buồn nôn, nôn, biếng ăn, gầy sút… thì có thể trẻ đã bị viêm dạ dày nên hãy đưa trẻ đi thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM DẠ DÀY Ở TRẺ EM

1. Ăn không đúng bữa, nhịn đói quá lâu hoặc ăn quá no.

2. Trẻ ăn vội vàng, không nhai kỹ, chạy và nhảy ngay sau khi ăn no.

3. Ăn nhiều thức ăn chua, cay, uống nhiều nước có gas.

4. Trẻ uống thuốc kháng viêm giảm đau hoặc đang điều trị các bệnh mãn tính như Lupus ban đỏ, hội chứng thận hư… nên phải uống thuốc chứa Corticoid trong thời gian dài.

5. Trẻ căng thẳng, stress do áp lực từ việc học, thi cử.

Đặc biệt trong các nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em phải kể đến vi khuẩn Helicobacter Pylori hay còn gọi là H.Pylori.

Nguyên nhân này thường gặp ở những trẻ sống trong điều kiện môi trường vệ sinh kém, thiếu tiện nghi, nguồn nước sinh hoạt không sạch sẽ. Bên cạnh đó chính thói quen ăn uống sai lệch, không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân gây nên viêm dạ dày ở trẻ em. Vì vi khuẩn H.Pylori lây qua dịch tiết đường tiêu hóa nên việc cho trẻ ăn vặt ở hàng quán hay sử dụng chung chén đũa, uống chung ly nước, chấm chung nước chấm, gắp thức ăn cho nhau,… hoặc cha mẹ mớm, đút thức ăn cũng làm trẻ bị lây nhiễm H.Pylori và gây nên viêm dạ dày.

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN VIÊM DẠ DÀY Ở TRẺ DO VI KHUẨN H.PYLORI

Để chẩn đoán viêm dạ dày do vi khuẩn H.Pylori có các phương pháp sau:

Xét nghiệm qua hơi thở: đây là phương pháp xét nghiệm nhanh chóng, thuận tiện, không xâm lấn hay gây khó chịu và có độ chính xác cao. Tuy nhiên vì sử dụng đồng vị Carbon C14 để nhận diện vi khuẩn H.Pylori nên phương pháp xét nghiệm qua hơi thở bắt buộc phải qua tư vấn của Bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện.

Xét nghiệm qua máu: đây là phương pháp gián tiếp để tìm kháng thể kháng vi khuẩn H.Pylori.

Xét nghiệm qua phân: đây là phương pháp đơn giản, cho kết quả chính xác giúp tìm kháng nguyên vi khuẩn H.Pylori. Tuy hơi rườm rà vì phải lấy mẫu qua phân, nhưng đây được xem là phương pháp phù hợp với đối tượng trẻ em.

Được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến gây nên viêm dạ dày và có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày nên việc phát hiện, điều trị sớm viêm dạ dày do vi khuẩn H.Pylori cực kỳ quan trọng và cần thiết. Sau hơn 30 năm kể từ khi tìm ra vi khuẩn H.Pylori, các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu thành công vắc xin chủng ngừa vi khuẩn này. Tuy nhiên các bậc phụ huynh có thể tự phòng ngừa bằng cách xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo vệ sinh cho con và cả gia đình. Mỗi người nên có chén muỗng đũa riêng, khi ăn chung mâm cơm phải có muỗng đũa sạch chỉ dành để gắp thức ăn.

Đặc biệt khi trong gia đình có người nghi ngờ bị viêm dạ dày thì cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu nguyên nhân là do vi khuẩn H.Pylori thì phải điều trị dứt điểm để tránh lây lan cho trẻ và các thành viên khác trong gia đình.

Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm dạ dày, bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám ngay để đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa NỘI TỔNG QUÁT tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ. Tránh chần chừ, tự mua thuốc cho trẻ uống, làm bệnh có cơ hội ủ trong thời gian dài và ảnh hưởng đến sức khỏe.

> CHƯƠNG TRÌNH MIỄN PHÍ KHÁM VÀ TƯ VẤN CHO TRẺ EM 5-15 TUỔI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *